Quy trình thi công sơn phản quang
Trước khi thi công sơn phản quang cần kiểm tra kỹ bề mặt cần phủ sơn phản quang. Đảm bảo bề mặt thi công phải được loại bỏ những vệt nhấp nhô bằng các phương tiện cơ giới hoặc thủ công một cách phù hợp hoặc xử lý khiếm khuyết bằng hợp chất vá, bột trét tương thích với loại vật liệu cần thi công sơn phản quang.
Khi sử dụng sơn phản quang, cần tuân theo tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất và yêu cầu kỹ thuật khi sơn: khuấy trộn (đối với một số loại sơn dễ sa lắng, tiếp tục khuấy đều trong suốt quá trình thi công để không cho bột màu lắng xuống đáy thùng), điều chỉnh độ nhớt, thời hạn làm việc của sơn.
Có 3 phương pháp thi công sơn phản quang. Tùy vào yêu cầu kỹ thuật mà lựa chọn phương pháp thi công sơn phản quang phù hợp.
- Phương pháp phun
- Phương pháp quét
- Phương pháp lăn
1. Phương pháp phun
Theo quy định tại TCVN 8788: 2011. Phương pháp thi công sơn phản quang này cần chú ý chỉnh độ nhớt của sơn, áp suất phun, loại vòi phun, nhiệt độ của sơn, khoảng cách trên bề mặt cần phủ, góc phun và tốc độ dịch chuyển vòi phun sao cho hợp lý để đạt được lớp phủ đồng nhất và liên tục, phù hợp với hướng dẫn của nhà sản xuất sơn.
Trước khi thi công, cần phun thử lên tấm thử nhỏ, kiểm tra trạng thái của hỗn hợp sơn và độ bằng phẳng của màng sơn. Nếu có khuyết tật, cần điều chỉnh áp suất phun và độ nhớt sơn. Sau khi kiểm tra đạt yêu cầu, mới bắt đầu phun chính thức.
2. Phương pháp quét
Theo quy định tại TCVN 8788: 2011. Khi áp dụng phương pháp thi công sơn phản quang này lưu ý nhúng chổi vào sơn không ngập quá một phần hai độ dài phần chổi sơn.
Trước tiên, dùng chổi miết mạnh ngay từ lớp sơn lót đầu tiên sao cho sơn lấp kín các khe hở, lỗ nhỏ, sau đó mới tiến hành sơn theo thứ tự từng lớp một cách đều đặn, quét phần khó trước, phần dễ sau.
3. Phương pháp lăn
Theo quy định tại TCVN 8788: 2011. Phương pháp thi công sơn phản quang này không nên áp dụng cho các bề mặt gồ ghề, các cạnh, góc và không áp dụng khi sơn lớp sơn lót đầu tiên.